Công chức Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV 3 kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh N.Linh |
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024, về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Nghị định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.
Nghị định số 66/2024/NĐ-CP quy định về việc quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA).
Theo quy định hàng hóa tân trang được cấu tạo hoàn toàn hoặc một phần từ các bộ phận của sản phẩm đã được sử dụng trước đó; và có thời hạn sử dụng tương tự như thời hạn sử dụng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng; và thực hiện được toàn bộ các chức năng hoạt động tương tự như chức năng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng, với chất lượng, hiệu quả thực hiện không thay đổi hoặc tương tự như chất lượng, hiệu quả thực hiện của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng; và có chế độ bảo hành, bảo dưỡng như chế độ bảo hành, bảo dưỡng áp dụng cho chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng.
Nghị định ban hành 7 Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của các bộ sau: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều kiện đối với hàng hóa tân trang nhập khẩu theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA cụ thể tại Nghị định. Cụ thể, hàng hóa tân trang nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau: có Giấy chứng nhận đủ điều kiện là hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA do cơ quan cấp phép cấp theo quy định tại Nghị định 66/2024/NĐ-CP; đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.
Khi đưa ra lưu thông trên thị trường, trên nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hóa tân trang phải thể hiện bằng tiếng Việt cụm từ “Hàng hóa tân trang” ở vị trí và với kích cỡ có thể nhìn thấy và đọc được bằng mắt thường.
Ngoài ra, Nghị định số 66/2024 cũng nêu rõ trách nhiệm của thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA đó là: tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam như đang được áp dụng đối với hàng nhập khẩu mới cùng loại, trong đó, tùy theo trường hợp cụ thể, có các quy định về chính sách nhập khẩu, chính sách mặt hàng, chính sách thuế, hải quan, nhãn hàng hóa; điều kiện kinh doanh; chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hiệu suất năng lượng; an toàn bức xạ; an toàn thông tin mạng; đo lường; bảo vệ môi trường; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quy định khác.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ và tài liệu xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức làm việc và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan cấp phép và các cơ quan liên quan khi cơ quan tiến hành kiểm tra việc thực thi quy định tại Nghị định số 66/2024.
Trước ngày 30/1 hàng năm, báo cáo cơ quan cấp phép và Bộ Công Thương bằng văn bản theo phương thức gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) về tình hình nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA của năm trước đó theo mẫu tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định 66/2024.
Liên quan đến hàng hóa tân trang, trước đó ngày 2/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2023/NĐ-CP quy định về quản lý hàng hóa tân trang theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nghị định được áp dụng đối với doanh nghiệp tân trang, cơ sở tân trang, chủ sở hữu nhãn hiệu, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP.
Nguồn: haiquanonline.com.vn