Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tại nhiều thị trường lớn, tiêu dùng hàng hóa cuối năm phục hồi tạo thêm dư địa cho các ngành hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng tích cực.
Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng tích cực.

Lực cầu gia tăng

Mặc dù kinh tế toàn cầu năm 2024 được đánh giá vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán nhưng các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm, điện tử… đã và đang lấy lại đà tăng trưởng, có cơ hội tiếp nhận được nhiều đơn hàng quốc tế mới. Đáng chú ý, hơn 36 tỷ USD hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu thành công trong tháng 7/2024. Mức thực hiện này rất ấn tượng, ghi nhận đà phục hồi của nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn, tiếp sức cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong nước.

Với ngành dệt may, sau một năm 2023 đầy khó khăn, đã làm cho nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đuối sức thì năm 2024 những tín hiệu khả quan từ sự phục hồi của kinh tế thế giới, cùng với sức chống chịu bền bỉ của doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may từ tăng trưởng âm trong năm ngoái sang tăng trưởng dương. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD trong tháng 7/2024, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 23,9 tỷ USD, đạt trên 50% mục tiêu xuất khẩu cả năm.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết 15/8/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 33,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,55 tỷ USD, tương ứng tăng 28,9%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 5,27 tỷ USD, tương ứng tăng 21,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,48 tỷ USD, tương ứng tăng 11,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,79 tỷ USD, tương ứng tăng 23,2%… so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua hiệp hội để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.

Cùng với dệt may, da giày cũng là một trong những ngành xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam, khi ngày càng chiếm được vị thế khá tốt trên thế giới. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến ngành đạt 26-27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho năm 2024.

Xuất khẩu tăng là niềm vui nhưng lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam vẫn lo lắng khi cho hay nhiều thử thách khó đang chờ đợi doanh nghiệp da giày trong nước. Liên quan đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành sang một số thị trường có tốc độ khá nhanh, chẳng hạn như Mexico thì có nguy cơ bị áp dụng thuế chống bán phá giá. Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cũng nhấn mạnh, thiếu nguyên phụ liệu tiếp tục là “nút thắt” của ngành. Do đó việc thành lập trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề.

Bởi hiện nay yêu cầu về truy xuất nguyên phụ liệu ngày càng chặt chẽ, điều này thể hiện qua các đạo luật EU và Hoa Kỳ sẽ áp dụng. Trong đó đạo luật chống phá rừng; đạo luật liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng và sắp tới là một loạt đạo luật liên quan đến sinh thái; hộ chiếu số với sản phẩm; áp dụng thuế carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu mạnh sẽ được thực thi. “Tất cả những đạo luật trên đều liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng và không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà truy xuất cả các nhà sản xuất nguyên phụ liệu mà chúng ta nhập khẩu. Nếu không kiểm soát được chuỗi cung ứng, giày dép Việt sẽ không thể xuất khẩu được, đây thực sự là mối lo ngại lớn”, bà Xuân bày tỏ.

Ngành gỗ và sản phẩm gỗ cũng là ngành xuất khẩu mang về hàng tỷ USD cho nền kinh tế. Dù ngành đã gánh chịu mức sụt giảm nặng nề trong năm 2023 nhưng những tháng qua của năm 2024 đã ghi nhận sự phục hồi tích cực của ngành này khi trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, mặc dù chưa phải mùa cao điểm, nhưng sự phục hồi của thị trường tiêu thụ đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt kết quả tích cực. Điều này cho thấy, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại thị trường lớn trên thế giới. Để làm được điều này, các doanh nghiệp ngành gỗ đã đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững và cải thiện quy trình sản xuất để bảo vệ môi trường, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và thu hút khách hàng tại các thị trường khó tính.

Thị trường còn biến động

Hiện nay các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (kết quả 7 tháng năm 2024). Xuất khẩu càng về cuối năm càng khởi sắc, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng lưu ý vẫn có nhiều thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện. Những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả; nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI; giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển và chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cũng được đánh giá là phục hồi chưa toàn diện. Trong 7 tháng đầu năm 2024, còn 3/63 địa phương có IIP giảm. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ – như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô, bia hơi… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện… mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng:Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da – giày, điện tử, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, Thứ tưởng Phan Thị Thắng cũng cho rằng, trong những tháng cuối năm cũng như các năm tiếp theo, bối cảnh trong và ngoài nước còn nhiều biến động cũng đặt ra nhiều thách thức cho các ngành sản xuất trong nước. Hơn nữa tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như: EU, Hoa Kỳ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.

Theo Bộ Công Thương, dựa trên kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2024, qua phân tích các yếu tố thuận lợi, khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong cả năm 2024 là hoàn toàn có thể. Để thúc đẩy xuất nhập hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, giải pháp quan trọng lúc này là tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp. Đặc biệt trọng tâm là tình hình chiến sự Nga – Ukraine; xung đột leo thang tại dải Gaza, Biển Đỏ; diễn biến xung đột thương mại Trung Quốc – EU; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Phối hợp với các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường trao đổi với cơ quan, địa phương phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Đồng thời đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra…

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ:

Tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Xuất khẩu được đà tăng tốc

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những tháng cuối năm với kỳ vọng đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu hai nước đạt mốc trên 100 tỷ USD và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.

Ở một số ngành hàng chủ lực như dệt may, dự báo tình hình xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mùa Thu Đông đang đến cũng như các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11/2024. Các ngành hàng cần tiếp tục lưu ý các quy định của Hoa Kỳ về Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương (UFLPA), phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ phản ánh kịp thời với Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ giải quyết kịp thời các lô hàng bị dừng tại cửa khẩu.

Với mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phù tùng, trong thời gian tới, Thương vụ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp kết nối, giới thiệu đối tác, tổ chức tham dự Hội chợ chuyên đề như: phối hợp Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ VASI tham dự Hội chợ Fabtech 2024 từ ngày 13 đến 22/10 tại Orlando; Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí điện Hamee tham dự Hội chợ IMTS do Hiệp hội Công nghệ sản xuất Hoa Kỳ tổ chức tại Chicago vào tháng 9/2024 và làm việc tại một số bang…

Các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cần tiếp tục phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành; thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh quá trình nội địa hóa.

 

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương):

Gia tăng hiện diện hàng Việt Nam bằng thương mại điện tử xuyên biên giới

Xuất khẩu được đà tăng tốc

Theo một số báo cáo thông tin về thị trường, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20-22% giá trị của thương mại điện tử toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần thương mại điện tử. Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn. Một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới cho thấy, năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD.

Để tối ưu hoá tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam là bài toán đường dài. Theo đó, thương mại điện tử hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm “Made in Vietnam” ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh trên thị trường đó, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu.

Chúng ta biết tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Vì thế hàng hoá Việt Nam để vươn ra thị trường toàn cầu cần cân nhắc rất nhiều đến yếu tố phát triển bền vững. Từ góc độ này, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong thương mại điện tử cũng sẽ có vai trò nhất định. Chẳng hạn, khách hàng có những yêu cầu về truy xuất hàng hoá, đảm bảo được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải… Có thể giải quyết tất cả những vấn đề đó bằng cách số hoá chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình của sản xuất… Đó là những yếu tố mà thương mại điện tử phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nguồn: haiquanonline.com.vn