Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công (Cục Hải quan TPHCM). Ảnh: T.H |
Hướng dẫn thủ tục đặc thù
Tại hội nghị, một số vướng mắc về loại hình XNK đặc thù đã được các doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn, trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm cho biết, xuất khẩu phần mềm qua phương tiện internet đang gặp khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT, vì không có tờ khai hải quan.
Giải đáp vướng mắc trên, đại diện Phòng thuế XNK- Cục Hải quan TPHCM cho biết, ngày 31/10/2022, Tổng cục Hải quan có Công văn số 4572/TCHQ-TXNK về việc xuất khẩu phần mềm. Theo đó, căn cứ các quy định hiện hành, phần mềm không có tên gọi và mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, phần mềm xuất khẩu không phải làm thủ tục hải quan và được quản lý hải quan theo phương tiện chứa đựng.
Cụ thể, phần mềm xuất khẩu được chứa trong đĩa CD thì đĩa CD được coi là hàng hóa xuất khẩu, phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm qua internet không bắt buộc phải khai báo hải quan.
Bên cạnh đó, Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 3/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn Luật Công nghệ thông tin, có quy định: “Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm”.
Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy định về sản xuất phần mềm và dịch vụ phần mềm thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP, hoạt động này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định. Doanh nghiệp không được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nếu đáp ứng điều kiện về hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất thuế GTGT là 0%. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và khoản 11 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Cục Hải quan TPHCM cho rằng, thông qua các quy định trên, doanh nghiệp sản xuất phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm đáp ứng quy định sản xuất và thuộc đối tượng tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP, hoạt động này sẽ không chịu thuế GTGT. Mặt khác, hoạt động xuất khẩu phần mềm của doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 0% nếu đáp ứng điều kiện, như: có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu, hợp đồng ủy thác xuất khẩu; có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật; có tờ khai hải quan.
Ngoài vướng mắc trên, liên quan đến thủ tục hải quan đối với một số mặt hàng, lĩnh vực đặc thù, Cục Hải quan TPHCM đã giải đáp, hướng dẫn cho doanh nghiệp, như: thanh lý tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất khi bị mất tờ khai hải quan; thủ tục cung cấp dịch vụ giám sát báo động…
Chính sách thuế loại hình XNK tại chỗ
Liên quan đến loại hình XNK tại chỗ được nhiều doanh nghiệp quan tâm đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng quy định. Công ty Sumitex Vietnam LLC đề nghị hướng dẫn thủ tục hải quan và chính sách thuế cho loại hình XNK tại chỗ để gia công xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
Trả lời về nội dung này, đại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ được quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, như sau: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm: hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan; hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.”
Về chính sách thuế cho loại hình xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam được quy định tại Điều 2, Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định về đối tượng chịu thuế, miễn thuế; tại Điều 3, Điều 10, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ nhập khẩu tại chỗ, hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan TPHCM cũng đã cập nhật hướng dẫn báo cáo quyết toán hải quan theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu. Theo đó, báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu được quy định cụ thể tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2019 của Bộ Tài chính.
Giải đáp câu hỏi của Công ty TNHH USUI BRUSH Việt Nam về định mức nguyên vật liệu và hao hụt trong sản xuất, Chi cục Hải quan khu chế xuất Tân Thuận cho biết, căn cứ Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính về định mức thực tế sản xuất hàng hóa gia công, hàng hóa sản xuất xuất khẩu: định mức thực tế sản xuất là lượng nguyên liệu, vật tư thực tế đã sử dụng để gia công, sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu và được xác định theo quy định tại mẫu số 27 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế và thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan Hải quan khi báo cáo quyết toán theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Thông tư này.
Nguồn: haiquanonline.com.vn