Quang cảnh cuộc họp. |
Chuyển đổi số-xu hướng tất yếu
Hội nghị có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Chủ tịch phân ban Việt Nam – Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam – Trung Quốc; Đại tá Phan Hữu Tiếp, Phó Cục trưởng Cục Cửa khẩu – Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc Phòng), cùng đại diện một số bộ, ngành.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCHQ Âu Anh Tuấn nhấn mạnh, những năm gần đây, việc chuyển đổi số luôn là một chủ đề mang tính thời sự và cấp thiết. Nhiều văn bản, chỉ đạo từ Chính phủ đến các bộ ban ngành, địa phương đều tích cực thúc đẩy chuyển đổi số như: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các Quyết định số 1199/QĐ-TTg, 1200/QĐ-TTg, 1201/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên các tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Lào thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Với vai trò quan trọng của cửa khẩu biên giới – là nơi thực hiện toàn bộ thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải và người xuất nhập cảnh qua lại biên giới với các nước láng giềng, do đó cần thiết có sự thống nhất về quy trình thủ tục, đặc biệt là triển khai chuyển đổi số quy trình thủ tục đối với hàng hóa, phương tiện, người qua lại biên giới”, Phó Tổng cục trưởng Âu Anh Tuấn cho biết.
Thực tiễn hiện nay, khái niệm biên giới thông minh, cửa khẩu thông minh xuất hiện ở nhiều quốc gia, chẳng hạn trong Thỏa thuận giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Canada; hay Hải quan Trung Quốc cũng đưa ra chiến lược tổng thể trong hiện đại hóa hải quan gồm 3 nội dung: Hải quan thông minh – Biên giới thông minh- Kết nối thông minh dựa trên thành quả của cách mạng công nghệ thông tin hiện đại.
Hải quan Nhật Bản cũng công bố Kế hoạch chiến lược hiện đại hóa hải quan trong giai đoạn trung và dài hạn với tên gọi “Sáng kiến Hải quan thông minh 2020”.
Đồng thời, Tổ chức Hải quan thế giới WCO đã công bố chủ đề của WCO là “Biên giới thông minh hỗ trợ dòng chảy Thương mại, Du lịch và Vận tải”.
Phó Tổng cục trưởng Âu Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
“Điều đó cho thấy, xu thế về số hóa, cũng như chuyển đổi số đối với công tác quản lý tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng không, đường biển là xu thế tất yếu”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định.
Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Bên cạnh đó, công văn 245/TTg-KTTH ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan cũng đặt ra các yêu cầu về việc thực hiện chuyển đổi số tổng thể các cửa khẩu biên giới, nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu dựa trên công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, lực lượng quản lý tại cửa khẩu.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan tiến hành nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án Cửa khẩu số dựa trên các Hiệp định thương mại, vận tải, hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu với các nước Trung Quốc, Lào, Cămpuchia và các luật hiện hành tại Việt Nam.
Về vấn đề cửa khẩu số, lãnh đạo Tổng cục cũng cho biết, thời gian qua, tại Lạng Sơn, Lào Cai đã triển khai nền tảng cửa khẩu số, hiện một số tỉnh cũng đang nghiên cứu mô hình này. Qua nắm bắt, mặc dù các tỉnh có học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhưng mô hình cửa khẩu số tại mỗi địa phương lại khác nhau.
Thực tế dẫn đến một doanh nghiệp làm tại nhiều địa bàn sẽ phải nghiên cứu nhiều quy trình, thủ tục, dẫn đến khó khăn khi thực hiện các thủ tục đối với hàng hóa và phương tiện vận tải qua lại biên giới. Hơn nữa, mỗi tỉnh lại đầu tư một phần mềm, một nền tàng cửa khẩu số riêng dẫn đến nguồn lực phân tán, quy trình không thống nhất.
Thống nhất tiến đến chuẩn hóa mô hình quản lý
Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án Cửa khẩu số với mục tiêu triển khai quy trình thống nhất trên toàn bộ tuyến biên giới đường bộ, áp dụng qua nền tảng duy nhất là Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Trong đề án, Tổng cục Hải quan hướng tới việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, số hóa quy trình thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đường bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thông quan, giảm thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi hoạt động qua lại biên giới.
Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu; hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương.
Đồng thời thống nhất tiến đến chuẩn hóa mô hình quản lý, quy trình nghiệp vụ xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, phù hợp với nhu cầu hội nhập của kinh tế của Việt Nam với các nước láng giềng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hợp tác kinh tế – thương mại với các nước qua các khu vực cửa khẩu.
Tại hội nghị, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (TCHQ) trình bày giới thiệu nội dung dự thảo Đề án Cửa khẩu số.
Đại diện các đại biểu đánh giá cao mục tiêu Tổng cục Hải quan xây dựng trong đề án này. Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia nêu vấn đề về tổ chức triển khai thực hiện. Rõ ràng khi xây dựng đề án Tổng cục Hải quan cũng nhận thấy cơ sở hạ tầng mỗi địa phương khác nhau. Do đó khi sử dụng “mẫu số chung” thì phải có cơ quan chủ trì, cũng như mối liên hệ, điều phối giữa Tổng cục Hải quan với các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến chi tiết về nội dung dự thảo Đề án, cũng nhưng lộ trình, cách thức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.
Nguồn: haiquanonline.com.vn