Công chức Hải quan Đồng Nai hướng dẫn thủ tục cho DN. Ảnh: N.H |
Cụ thể, căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ và Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp bị sáp nhập là Công ty TNHH Hwaseung Rạch Giá cần liên hệ Chi cục Hải quan nơi quản lý để nộp báo cáo quyết toán toàn bộ tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu trước khi thực hiện việc sáp nhập.
Về thủ tục chuyển giao nguyên vật liệu đã nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị sáp nhập sang doanh nghiệp nhận sáp nhập, trên cơ sở báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành với Chi cục Hải quan nơi quản lý, Công ty TNHH Hwaseung Rạch Giá thông báo cho Chi cục Hải quan nơi quản lý biết lượng nguyên liệu, vật tư thực tế còn tồn sẽ chuyển giao cho Công ty TNHH Hwaseung Vina và thực hiện việc bàn giao cho Công ty TNHH Hwaseung Vina.
Sau khi hoàn thành thủ tục nhận sáp nhập, Công ty TNHH Hwaseung Vina có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi quản lý về việc nhận lại nguyên liệu, vật tư sản xuất xuất khẩu từ Công ty TNHH Hwaseung Rạch Giá. Trong đó nêu rõ số lượng nguyên liệu, vật tư được chuyển giao và mục đích sử dụng; tổ chức theo dõi nguyên liệu, vật tư nêu trên theo đúng mục đích sử dụng và hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán theo các quy định về chế độ kế toán của Bộ Tài chính; thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu với cơ quan hải quan theo đúng quy định.
Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa những nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu thì Công ty TNHH Hwaseung Vina thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, doanh nghiệp bị sáp nhập và doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định. Doanh nghiệp nhận sáp nhập kế thừa nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; các ưu đãi về thủ tục hải quan và thủ tục nộp thuế hàng nhập khẩu của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Trường hợp Công ty TNHH Hwaseung Rạch Giá là doanh nghiệp bị sáp nhập đã nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu và đã được miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính Phủ. Sau khi hoàn thành thủ tục sáp nhập vào Công ty TNHH Hwaseung Vina, Công ty TNHH Hwaseung Vina sẽ được hưởng chính sách miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu còn tồn sau khi báo cáo quyết toán nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện miễn thuế theo quy định.
Trường hợp Công ty TNHH Hwaseung Rạch Giá (trước khi bị sáp nhập) đã nộp thuế, nhưng sau khi sáp nhập được xuất khẩu bởi Công ty TNHH Hwaseung Vina (doanh nghiệp nhận sáp nhập) thì Công ty TNHH Hwaseung Vina sẽ được hoàn thuế theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính Phủ.
Sau khi hoàn thành thủ tục sáp nhập Công ty TNHH Hwaseung Rạch Giá vào Công ty TNHH Hwaseung Vina, Công ty TNHH Hwaseung Vina cung cấp hồ sơ, các giấy tờ có liên quan đến Chi nhánh tại Kiên Giang cho Chi cục Hải quan nơi quản lý chi nhánh để được hướng dẫn cụ thể.
Nguồn: haiquanonline.com.vn