Góp ý vào dự thảo Quyết định danh mục các mặt hàng nhập khẩu (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị cần bổ sung nguyên tắc áp dụng danh mục để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tránh vướng mắc phát sinh.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô, Cục Hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa XNK.  Ảnh: Q. Hùng
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô, Cục Hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: Q. Hùng

Cụ thể hóa các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc các bộ và Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tích cực tổ chức các đợt làm việc tập trung, phối hợp với các bộ để rà soát, hoàn thiện danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành.

Tổng cục Hải quan đã tổ chức đợt làm việc tập trung, phối hợp với đại diện của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, chuẩn hóa Danh mục thực phẩm cho phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam 2022.

Kết thúc đợt làm việc, các nhóm phụ trách đã thực hiện rà soát toàn bộ các nhóm hàng theo Danh mục thực phẩm của Bộ Công Thương gồm: sản phẩm đồ uống, nước giải khát, rượu, bia, cồn thực phẩm; sữa chế biến; sản phẩm bột, tinh bột; chất béo và dầu có nguồn gốc từ thực vật và các sản phẩm tách từ chúng; chất béo ăn được đã qua chế biến; các loại sáp thực vật; sản phẩm bánh, mứt, kẹo. Tổ chuẩn hóa cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét lại một số dòng hàng không đủ điều kiện làm thực phẩm, một số dòng hàng là chế phẩm không ăn được; đề nghị mô tả chi tiết tên hàng của một số dòng hàng…

Trên cơ sở kết quả của Tổ chuẩn hóa, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương hoàn thiện danh mục phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam 2022. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, tại Nghị quyết 02/NQ-CP các năm của Chính phủ và Quyết định 1254/QĐ-TTg, Quyết định 1258/QĐ-TTg, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Do đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đơn giản, cắt giảm Danh mục theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trường hợp bổ sung thêm thì cần nêu lý do, đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp.

Về nguyên tắc áp dụng, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua cơ quan Hải quan và doanh nghiệp gặp một số vướng mắc đối với thực phẩm nhập khẩu không thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời đã phản ánh với các bộ (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Do vậy, để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tránh vướng mắc phát sinh, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nguyên tắc áp dụng danh mục.

Cụ thể, trường hợp có sự khác biệt, không thống nhất trong việc phân loại và xác định mã số hàng hóa đối với các hàng hóa thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này, việc xác định mã số hàng hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Đối với hàng hóa chưa được liệt kê và xác định mã số hàng hóa trong Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này, việc xác định mã số hàng hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Sau khi thông quan, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu có văn bản gửi về Bộ Công Thương để làm cơ sở phối hợp với Bộ Tài chính xem xét thống nhất, cập nhật và ban hành Danh mục bổ sung.

Việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 39 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được thực hiện như sau: Hàng hóa có tên trong Danh mục này phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu theo quy định tại Điều 40 Luật An toàn thực phẩm và Điều 16 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Hàng hóa không thuộc Danh mục này nhưng thuộc đối tượng phải áp dụng phương thức kiểm tra chặt khi có lô hàng, mặt hàng không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó; lô hàng, mặt hàng không đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có); có cảnh báo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất.

Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Hải quan thời điểm áp dụng, dừng áp dụng phương thức kiểm tra chặt và việc chuyển đổi phương thức kiểm tra khác (nếu có) bao gồm thông tin về mã số HS, tên hàng… đối với trường hợp hàng hóa trên không thuộc Danh mục.

Các trường hợp sau thuộc đối tượng miễn hoặc không thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu: Hàng hóa có tên trong Danh mục này nhưng không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP (trừ các trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm); hàng hóa có tên trong Danh mục này nhưng không nhằm mục đích sử dụng làm thực phẩm; hàng hóa không thuộc Danh mục này, trừ trường hợp quy định tại Quyết định này.

Nguồn: haiquanonline.com.vn