Sản phẩm thực phẩm tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu đều được yêu cầu gia tăng về tính bền vững, nên các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt để đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Sản xuất của doanh nghiệp đều hướng tới sản xuất xanh, bền vững. 	Ảnh: P.U
Sản xuất của doanh nghiệp đều hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Ảnh: P.U

Sản phẩm trụ vững thị trường nước ngoài

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, FMC và công ty thành viên KAF đang khởi đầu cho quý 3/2024 với nhiều đơn hàng XK tôm sang thị trường “khó tính”. Trong tháng 7/2024, KAF đã đạt mức xuất khẩu cao nhất trong gần 4 năm hình thành, góp phần đưa số liệu hợp nhất tháng lên mức cao nhất trong gần 30 năm thành lập FMC, trên 30 triệu USD. Để đáp ứng các yêu cầu của đối tác, FMC đầu tư và có thế mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp khác là có vùng nuôi lớn, có sản lượng tôm nuôi lớn nhất nên rất chủ động trong việc điều tiết nguyên liệu và thực hiện các hợp đồng XK.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, các doanh nghiệp ngành thực phẩm đang chịu sự tác động từ một số chính sách quản lý, tác động đến sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp. Hiện nay, các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu đều được yêu cầu gia tăng về tính bền vững, nên các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Hiện các doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu sản phẩm đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tháng 7/2024, sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc của nhiều nhóm ngành lương thực, thực phẩm đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm vượt 2 tỷ USD như thủy sản, rau quả, điều, cà phê, gạo…

Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có sản lượng nông nghiệp và nguồn nguyên liệu dồi dào, rất thuận lợi cho việc cung ứng đầu vào cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm. Từ một quốc gia nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới với hàng loạt mặt hàng nông sản dẫn đầu về xuất khẩu như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản… doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 5,9% trong quý 1/2024. Đạt được kết quả này, các doanh nghiệp liên tục cải tiến sản phẩm và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đối tác tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động là cơ sở tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu trong các quý vừa qua.

Để gia nhập và trụ vững ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phải xây dựng uy tín trên chính thị trường của mình trước rồi mới tìm các đối tác cùng đồng hành, chia sẻ câu chuyện thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nếu muốn trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, doanh nghiệp cần có tư duy khác. Các tiêu chí cần thiết khác phải tính đến là năng lực sản xuất quy mô lớn, làm sao tăng sự cạnh tranh về giá thành, đảm bảo ổn định giá trước các biến động của thị trường, logistics, tỷ giá, đáp ứng được các tiêu chuẩn về sự bền vững của chuỗi cung ứng…

Bà Đinh Hồng Vân, Giám đốc Marketing cấp cao ngành hàng gia vị, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết, phát triển kênh thương mại điện tử như là một cách tạo bước dẫn vào các thị trường quốc tế. Với hướng mở rộng thị phần ở nước ngoài, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đặt mục tiêu rất lớn đến năm 2027 đạt 15% tổng doanh thu đến từ kinh doanh thị trường quốc tế. Hiện Masan tập trung vào thị trường chiến lược, nghiên cứu thị trường tiêu dùng để phát triển những sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu với thị trường quốc tế.

Sản phẩm thân thiện môi trường

Đánh giá về việc chuyển đổi xanh đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, với xu hướng người tiêu dùng đề cao các sản phẩm có tính xanh – bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất. Các xu hướng phát triển bền vững trong ngành cũng liên tục được cập nhật và phát triển, bao gồm các khía cạnh về an toàn thực phẩm, đảm bảo tính xanh – bền vững trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hữu cơ, tái sử dụng – tái chế chất thải hoặc sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất cho đến những biện pháp hạn chế sử dụng nhựa và giảm bao bì nói chung. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các nhà sản xuất, xuất khẩu thực phẩm đồ uống của Việt Nam để thay đổi và phát triển.

Theo Công ty CP sữa Việt Nam, chiến lược phát triển bền vững cũng được doanh nghiệp tận dụng như một thế mạnh cạnh tranh khi xuất khẩu để tạo ra “làn gió mới”. Đơn cử như các sản phẩm xuất khẩu sang Australia và New Zealand với bao bì thân thiện môi trường, dự kiến đến 2025, 100% sản phẩm xuất đến khu vực này sẽ dùng bao bì dễ tái chế… Trong thời gian tới, công ty duy trì sự tập trung vào các thị trường mới nổi, tận dụng các hiệp định thương mại tự do và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Trong đó, Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương quốc tế với việc liên tục tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước để cập nhật thị trường, kết nối với đối tác.

Trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng “xanh” ngày càng tạo ra những tác động lớn trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần có sự đầu tư từ sớm cho phát triển bền vững để gia tăng giá trị và lợi thế dài hạn, đặc biệt là với các ngành hàng Việt Nam không có thế mạnh.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong quý 2/2024 cho thấy, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp đang tốt dần lên, các đơn hàng xuất khẩu về nhiều. Doanh nghiệp ngành chế biến nông sản, bao gồm gạo, thủy sản và trái cây đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu bùng nổ tại Trung Quốc và sự thay đổi trong sở thích tiêu dùng. Ngành chế biến thực phẩm báo cáo tăng 70% giá trị xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2024, nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng của nó vào nền kinh tế xuất khẩu của TPHCM.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia mạnh mẽ các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu. Những quy định về quy tắc xuất xứ, kỹ thuật, môi trường đối với xuất khẩu hàng hóa sẽ giúp đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Áp dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có tính năng khác biệt, triển khai các chương trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, công nghệ cao, bảo vệ môi trường.

Nguồn: haiquanonline.com.vn