Về triển vọng kinh tế năm 2025, TS. Lương Văn Khôi (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, khi xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh cũng như những đóng góp đáng kể từ chuyển đổi số và thúc đẩy đầu tư.
TS. Lương Văn Khôi
TS. Lương Văn Khôi

Năm 2024, GDP dự kiến đạt 6,8-7%. Ông hãy chia sẻ thêm về những yếu tố quan trọng tạo nên sự tăng trưởng này?

Kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có rất nhiều sự bứt phá nhờ vào nhiều yếu tố quan trọng. Đầu tiên, phải kể đến sự điều hành quyết liệt và linh hoạt, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế.

Hơn nữa, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2024 đã vượt qua cả năm 2023 và đạt gần mức của năm 2022, chứng tỏ sự bứt phá mạnh mẽ trong xuất khẩu.

Ngoài ra, dòng vốn FDI cũng tăng trưởng ấn tượng. Tính đến tháng 11/2024, giải ngân vốn FDI vào Việt Nam đã đạt trên 21 tỷ USD – một con số khá lớn. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm mạnh cho thấy môi trường đầu tư đang dần ổn định và hấp dẫn trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố tác động từ biến động chính trị toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Một yếu tố quan trọng nữa là Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số rất mạnh mẽ từ cấp trung ương đến địa phương. Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nền tảng như thép đã giúp năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Các doanh nghiệp ứng dụng tự động hóa, đổi mới sáng tạo sẽ có năng suất cao hơn và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Đây chính là động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực.

Thị trường tiêu dùng nội địa cũng có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với thu nhập và năng suất lao động tăng trưởng so với trước đây.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn gặp khó khăn. Theo ông, tình hình này sẽ tác động ra sao tới triển vọng kinh tế trong năm 2025?

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một thách thức lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 11/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xã hội đạt trên 73% nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 54%. Điều này cho thấy dù Chính phủ đã có sự quyết liệt trong việc giải ngân nhưng tiến độ thực hiện còn chậm và cần có sự điều chỉnh kịp thời.

Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, đặc biệt là ở các địa phương lớn như Hà Nội và TPHCM, khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vào cuối năm vẫn có thể đạt được.

Sang năm 2025, 63 tỉnh, thành sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện rất lớn cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, đầu tư từ Nhà nước sẽ là mồi dẫn dắt cho nền kinh tế phát triển. Bởi trong năm 2025, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng liên kết vùng sẽ tăng rất mạnh với các công trình lớn như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, điện hạt nhân… Hạ tầng giao thông liên kết sẽ tạo ra mối liên kết giữa các vùng, tạo các vành đai công nghiệp, thúc đẩy mức độ lưu thông hàng hóa rất lớn.

Ông đánh giá như thế nào về những triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025?

Tôi cho rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội để duy trì mức tăng trưởng ổn định. Xuất khẩu tiếp tục có xu hướng tăng mạnh nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA…

Dòng vốn đầu tư quốc tế có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới.

Hơn nữa, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư chất lượng cao từ các lĩnh vực công nghệ mới như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Chính phủ cũng đang thực hiện các chính sách hỗ trợ để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, từ đó góp phần vào việc chuyển đổi nền kinh tế sang hướng bền vững và hiện đại hơn.

Nếu triển khai đầy đủ các chính sách chuyển đổi số và ứng dụng AI, nền kinh tế Việt Nam có thể gia tăng thêm ít nhất 4,7 tỷ USD vào GDP, đặc biệt là trong các ngành như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và sản xuất công nghiệp.

Đâu là những thách thức và giải pháp nào để vượt qua, thưa ông?

Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 hoàn toàn có thể đạt được con số tăng trưởng 8%.

Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, chúng ta phải đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, những chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tới đây sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam bởi hiện nay, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại lớn. Trong khi chính sách của ông Trump sẽ áp thuế vào các nước xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần đảm bảo sự cân bằng, tránh rủi ro về áp đặt thuế.

Về nội tại, một trong những thách thức lớn nhất là cải thiện hiệu quả của khối doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Chẳng hạn với ngành dệt may, nếu đổi mới và ứng dụng công nghệ hiệu quả có thể làm kinh tế Việt Nam tăng trưởng thêm 1,26%…

Thêm vào đó, môi trường kinh doanh cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là trong việc tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, thuế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng sẽ là tiền đề rất tốt để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2025.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: haiquanonline.com.vn