Để đảm bảo chất lượng hồ sơ ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu tại cuộc họp rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế diễn ra vào ngày 4/7/2024, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường đánh giá, trong gần 4 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, cơ quan Hải quan đã kịp thời, chủ động trong công tác tổ chức triển khai Luật và chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện các hoạt động cần thiết để đưa Luật Quản lý thuế vào thực tiễn.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chủ trì trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành 1 nghị định; phối hợp với Tổng cục Thuế trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 2 nghị định và trình Bộ Tài chính ban hành 1 thông tư hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, chủ động soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chủ trì cuộc họp rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế diễn ra vào ngày 4/7/2024. Ảnh: H.Nụ
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chủ trì cuộc họp rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế diễn ra vào ngày 4/7/2024. Ảnh: H.Nụ

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, việc thực thi Luật Quản lý thuế cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hàng hóa XNK của ngành Hải quan; là cơ sở pháp lý để ngành Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế như làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK bằng phương thức điện tử, miễn, giảm hoàn, không thu thuế điện tử; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế với các cơ quan, tổ chức có liên quan; tạo cơ sở pháp lý để góp phần thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã triển khai thu NSNN qua các ngân hàng phối hợp thu, kết hợp với việc nộp thuế và thông quan 24/7 đã giúp đơn giản hóa thủ tục nộp tiền thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các DN.

Đồng thời, tích cực triển khai hệ thống miễn, giảm, hoàn điện tử và ban hành các quy định liên quan đến công tác miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa XNK.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế cho cơ quan Hải quan. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản…

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cùng nhiều hình thức mới của thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian qua cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.

Ngoài ra, một số quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành không phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, của hoạt động thương mại trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.

Do vậy, việc nhận diện, đánh giá đầy đủ về thực trạng công tác quản lý thuế là rất quan trọng, từ đó nghiên cứu, xây dựng các giải pháp quản lý thuế hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ theo định hướng của Chính phủ.

Đồng thời, mục tiêu rà soát, đánh giá để đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định không còn phù hợp tại Luật Quản lý thuế nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về thuế, pháp luật về thương mại, pháp luật về hải quan.

Nguồn: haiquanonline.com.vn