Ông Yoshihara Toru, Trưởng ban Hải quan, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) chia sẻ tại Diễn đàn Hải quan-Doanh nghiệp 2024. Ảnh: Thái Bình |
3 lợi ích phát triển quan hệ đối tác
Chia sẻ về lợi ích của doanh nghiệp thông qua công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, ông Yoshihara Toru, Trưởng ban Hải quan, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) nhấn mạnh 3 lợi ích dành cho doanh nghiệp qua công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp.
Lợi ích đầu tiên là sự hợp tác tốt đẹp giữa JCCI và Tổng cục Hải quan đã giải quyết các vấn đề thông quan trong thời gian sớm nhất. Nếu có vấn đề xảy ra với thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, hai bên càng sớm khắc phục thì sẽ giảm thiểu tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cơ quan Hải quan-cơ quan ban hành và thực thi chính sách.
Ví dụ như khi có quy định mới được ban hành hay được sửa đổi, bổ sung, JCCI được nắm bắt kịp thời thông tin mới nhất về luật và quy định mới được ban hành hay sửa đổi giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ các quy tắc và tránh các vấn đề vướng mắc về thủ tục hải quan.
Thứ ba, thông qua việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan Hải quan, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và hiệp hội được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung vào luật và các quy định dẫn đến một môi trường đầu tư thân thiện cho doanh nghiệp.
Ông Yoshihara Toru dẫn chứng: Nếu có những luật và quy định mà doanh nghiệp khó tuân thủ hoặc không phù hợp với thông lệ kinh doanh, doanh nghiệp có thể đề xuất, kiến nghị. Bằng cách làm này có thể giúp các doanh nghiệp tìm ra cách giải quyết vấn đề của họ. Nếu các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về việc tuân thủ pháp luật thì các giao dịch suôn sẻ hơn, giúp tăng số lượng giao dịch và cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.
Phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp không phải là trường hợp một bên thắng còn bên kia phải chịu tổn thất, mà là hợp tác 2 bên cùng có lợi. Hy vọng cả 2 bên sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Hải quan và doanh nghiệp.
“Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 43 trên thế giới vào năm 2023. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 53 trên thế giới, tăng 10 bậc. Như vậy, có sự cải thiện rõ ràng kể từ khi bắt đầu mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Hải quan và doanh nghiệp”, ông Yoshihara Toru chia sẻ.
Quang cảnh Diễn đàn Hải quan-Doanh nghiệp 2024. Ảnh: Thái Bình |
Tuy nhiên, trong khu vực ASEAN, thứ hạng hiệu quả Logictics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines nên vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện mối quan hệ đối tác giữa Hải quan và doanh nghiệp.
Diễn đàn là dịp để doanh nghiệp đóng góp ý kiến
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan và JCCI cũng thường xuyên có những buổi làm việc định kỳ để thông tin, trao đổi, thảo luận, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thành viên.
Chia sẻ về sự phối hợp 3 bên giữa JCCI, doanh nghiệp thành viên và Tổng cục Hải quan, ông Yoshihara Toru cho rằng, các cuộc họp định kỳ thường xuyên giữa Tổng cục Hải quan và JCCI và các doanh nghiệp thành viên thực sự rất hiệu quả.
Các doanh nghiệp Nhật Bản coi đây là diễn đàn để nêu lên các vấn đề liên quan đến thủ tục thông quan, đề xuất giải pháp.
Bên cạnh đó, JCCI cũng góp ý, đề xuất xây dựng môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp cho Tổng cục Hải quan bằng cách thu thập các vấn đề từ các doanh nghiệp thành viên.
Ngoài ra, việc trao đổi với Tổng cục Hải quan sẽ giúp JCCI tìm ra giải pháp tốt nhất để đưa ra chiến lược tham vấn chính sách cho các bộ, ngành có liên quan.
Nhờ những nỗ lực của 3 bên: JCCI, doanh nghiệp thành viên và Tổng cục Hải quan, hiệu quả từ hoạt động logistics của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Hàng năm, JCCI đã tham gia Diễn đàn Hải quan-Doanh nghiệp, mong muốn đóng góp vào việc cải thiện các thủ tục thương mại và logictics tại Việt Nam bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của các nước.
Nguồn: haiquanonline.com.vn