Việc đề ra và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch lãnh đạo các cấp ngành Hải quan là yêu cầu cần thiết hiện nay.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 (Cục Hải quan Hải Phòng). 	Ảnh: Thái Bình
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 (Cục Hải quan Hải Phòng). Ảnh: Thái Bình

Những năm qua, về cơ bản, công tác quy hoạch lãnh đạo các cấp của ngành Hải quan đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng, cất nhắc đội ngũ cán bộ lãnh đạo có khả năng lãnh đạo, điều hành đơn vị đảm đương nhiệm vụ chính trị của ngành. Tuy nhiên, trong công tác quy hoạch hiện nay còn tồn tại một số hạn chế như: Quy trình rà soát, giới thiệu, thực hiện quy hoạch còn rườm rà, lặp đi lặp lại; hồ sơ quy hoạch phức tạp, yêu cầu nhiều loại giấy tờ đã sẵn có tại lưu trữ của cơ quan; một số quy định về tiêu chuẩn quy hoạch chưa phù hợp… Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và mục tiêu của công tác quy hoạch do sự khó khăn trong quá trình quản lý, thực hiện quy hoạch; hạn chế đối với cá nhân đảm nhiệm nhiều công việc, có năng lực nhưng chưa có thời gian hoàn thiện các tiêu chuẩn quy hoạch theo quy định.

Để khắc phục tình trạng trên, việc đề ra và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch lãnh đạo các cấp ngành Hải quan là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Sửa đổi, hoàn thiện các bước trong quy trình quy hoạch

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp là một trong những công tác quan trọng quyết định đến chất lượng cán bộ lãnh đạo. Vì vậy, từ cấp Trung ương có nhiều văn bản quy định về công tác quy hoạch cán bộ, cụ thể:

Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 15/2/2022 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ.

Ở cấp Bộ Tài chính, ngày 11/5/2022 Ban cán sự đảng Bộ Tài chính ban hành Quy định số 02-QĐi/BCSĐ quy định về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành Tài chính; ngày 6/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định số 979/QĐ-BTC ban hành Quy chế quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Cấp Tổng cục Hải quan có Quyết định số 2072/QĐ-TCHQ ngày 22/9/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế quy hoạch lãnh đạo, quản lý cấp Phòng, Chi cục và tương đương trở xuống tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Hiện nay, việc thực hiện công tác quy hoạch trong ngành Hải quan đang áp dụng theo quy định tại các văn bản trên. Thực tế quá trình áp dụng cho thấy, các bước trong quy trình quy hoạch lãnh đạo các cấp đang bộc lộ sự phức tạp, rườm ra. Quy trình quy hoạch phải trải qua nhiều bước, trong khi đó, các bước này lại lặp đi lặp lại cùng một thành phần bỏ phiếu, cùng một quan điểm, ý kiến đánh giá cán bộ.

Ví dụ: Theo quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo cấp Phòng thuộc Cục Hải quan hàng năm (đối với nguồn nhân sự tại chỗ), có 4 bước thực hiện. Nhưng trên thực tế triển khai phải là 6 bước, bao gồm bước đầu tiên là Hội nghị cấp ủy, lãnh đạo Cục để rà soát, phê duyệt chủ trương, và bước cuối cùng (bước 6) cũng là Hội nghị cấp ủy, lãnh đạo Cục thảo luận, biểu quyết thông qua. Trong đó, tập thể lãnh đạo Cục tham gia ý kiến tại 4 bước, bỏ phiếu giới thiệu 3 lần với cùng các trường hợp được giới thiệu.

Việc phải bỏ phiếu, cho ý kiến nhiều lần đối với cùng trường hợp được giới thiệu là không thực sự cần thiết, đồng thời làm quy trình trở nên phức tạp, mất thời gian, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác rà soát, đánh giá, giới thiệu quy hoạch.

Vì vậy, cần nghiên cứu rút gọn quy trình quy hoạch theo hướng hạn chế lặp lại các bước lấy ý kiến có cùng thành phần bỏ phiếu, cùng thành phần được giới thiệu quy hoạch.

Rút gọn hồ sơ quy hoạch

Về hồ sơ quy hoạch, theo quy định, hồ sơ quy hoạch bao gồm 6 loại giấy tờ: (1)Tờ trình, bản tổng hợp kết quả kiểm phiếu, biên bản kiểm phiếu, biên bản họp các bước; (2) Sơ yếu lý lịch; (3) Nhận xét đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị; (4) Kết luận về tiêu chuẩn chính trị; (5) Bản kê khai tài sản thu nhập; (6) Văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị…

Trong đó, các loại giấy tờ như: sơ yếu lý lịch, bản kê khai tài sản thu nhập, văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị… đều đã được lưu trữ tại cơ quan, đơn vị, được cập nhật trong hệ thống quản lý cán bộ, đồng thời hàng năm công chức đều đã có kê khai bổ sung.

Vì vậy, nên bỏ bớt danh mục hồ sơ quy hoạch, vừa đỡ mất thời gian cho người được giới thiệu quy hoạch, vừa giảm tải, tránh lãng phí cho công tác lưu trữ.

Sửa đổi tiêu chuẩn quy hoạch phù hợp hơn

Theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thì, tiêu chuẩn đối với công chức, viên chức quy hoạch cơ bản thực hiện theo tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với chức danh theo quy định:

– Về trình độ chuyên môn: Phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tương ứng với chức danh bổ nhiệm.

– Về trình độ lý luận chính trị: công chức, viên chức phải đáp ứng tiêu chuẩn lý luận chính trị tương ứng của chức danh bổ nhiệm; với trường hợp quy hoạch vượt cấp có thể chưa bảo đảm tiêu chuẩn lý luận chính trị, sau khi được quy hoạch, cấp có thẩm quyền, cá nhân phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn lý luận chính trị theo quy định.

– Chưa nhất thiết phải đáp ứng ngay các tiêu chuẩn: Kinh qua chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp dưới, trình độ quản lý nhà nước…

Theo quy định tại Nghị định số 29/2024/NĐ-CP ngày 6/6/2024 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước thì, ngay từ bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp Đội, Tổ thuộc Chi cục và tương đương đã cần phải có bằng Trung cấp lý luận chính trị trở lên. Trên thực tế, hiện nay các khóa đào tạo lý luận chính trị vẫn đang bị hạn chế chỉ tiêu. Trong khi đó, mỗi khóa đào tạo phải mất nhiều thời gian để hoàn thành. Như vậy, với các đối tượng được giới thiệu quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp Đội thường là công chức trẻ, hầu hết chưa được cử đi học lý luận chính trị. Việc tham gia khóa đào tạo dài hạn cũng là hạn chế đối với các công chức chủ chốt của đơn vị, phải đảm đương nhiều việc, ít có điều kiện tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong tiêu chí quy hoạch, nhất là các lớp dài hạn như lý luận chính trị.

Để phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các công chức trẻ, có năng lực thì nên xem xét lại tiêu chuẩn quy hoạch, theo hướng có lộ trình thời gian để công chức trong quy hoạch hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện. Nghĩa là không nên quy định tiêu chuẩn quy hoạch tương đương như tiêu chuẩn bổ nhiệm, đặc biệt đối với các chức danh lãnh đạo ở cấp dưới, bao gồm lãnh đạo cấp Đội, Tổ thuộc Chi cục và lãnh đạo cấp Chi cục và tương đương. Bởi, quy hoạch mới là dự nguồn cho bổ nhiệm, căn cứ vào đối tượng được quy hoạch để tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phục vụ cho công tác bổ nhiệm sau này.

Nguồn: haiquanonline.com.vn