Một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
3353-2553492d7dcc8792dedd
Tỷ lệ nội địa hóa nhiều ngành sản xuất đã tăng lên. Ảnh: NT

Nhiều địa phương đã chủ động tung chính sách ưu đãi

Chia sẻ tại tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 29/8, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025…

Những chính sách này đã tác động lớn đến thực tiễn của ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã tham gia dần được vào các chuỗi cung ứng và đạt được giá trị gia tăng tương đối cao. Bên cạnh đó, nhiều ngành nâng mức tự chủ nguồn nguyên vật liệu, như: ngành dệt may – da giày tự chủ được khoảng 30 – 45%; ngành cơ khí chế tạo tự chủ được phần nguyên liệu khoảng 30%; lĩnh vực ô tô tỉ lệ nội địa hóa tương đối lớn…

Với những chính sách ưu đãi về công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI vệ tinh đi theo những tập đoàn lớn đã tham gia đầu tư vào Việt Nam để được hưởng các chính sách ưu đãi về chính sách, về thuế và các chính sách liên quan đến môi trường, vốn đã được ban hành.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp đánh giá, một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như: Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… trong thời gian vừa qua, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Chẳng hạn như: TP HCM đã có chính sách cho các dự án ưu tiên được vay vốn bằng cách cấp bù lãi suất. Gần đây nhất ngày 19/7/2024 UBND TP HCM cũng đã ban hành Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể cả về chất và lượng trong thời gian qua.

Theo đó, về mặt số lượng, từ đánh giá ban đầu có hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng chỉ ISO/TS 16949, đến nay con số này đã đạt được trên 500.

Tương tự, chất lượng hàng hóa có sự thay đổi rõ rệt. Thứ nhất là các doanh nghiệp Việt Nam hiện không chỉ sản xuất những linh kiện mà có hàm lượng công nghệ thấp và chỉ cần tập trung vào những thế mạnh về nhân công giá rẻ, mà đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn, ví dụ như: dập rèn, hay là các linh kiện cho những dòng xe mới.

Đáng chú ý, theo đại diện Toyota Việt Nam, trình độ quản lý của tầng lớp lãnh đạo, nhận thức về các vấn đề để làm sao nâng cao được khả năng cạnh tranh về chất lượng, về chi phí, về khả năng giao hàng đã được nâng lên một bước đáng kể. Rất nhiều doanh nghiệp đã hiểu rất rõ và áp dụng một cách thành thục các tiêu chuẩn như 5S hay có những hệ thống để tổ chức đào tạo cho người lao động.

Đại diện cho doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Dương Minh Hải, Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN chia sẻ, sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam và xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng trên 50% sản lượng của doanh nghiệp là dành cho các hoạt động xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp FDI trong nước.

Phải ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa

Theo ông Dương Minh Hải, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh những chính sách ưu đãi, doanh nghiệp cần sự kết nối của Bộ Công Thương, của địa phương với các doanh nghiệp lớn.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, song nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương vẫn còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.

Đại diện Cục Công nghiệp cho hay, để tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đang đề xuất những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, xây dựng các cụm liên kết ngành, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng… Sẽ có những cơ chế chính sách để trong quá trình thu hút đầu tư phải có những ràng buộc với các doanh nghiệp nước ngoài trong công tác phát triển tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương để xây dựng các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.

Nguồn: haiquanonline.com.vn