Hoạt động nghiệp vụ của công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: N.L |
Một trong những nội dung được Tổng cục Hải quan quan tâm sửa đổi, hoàn thiện là quy định đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2028/TT-BTC.
Theo Cục Giám quản lý về hải quan, việc sửa đổi chính sách đối với loại hình này do quy định của pháp luật có liên quan được sửa đổi, bổ sung; bên cạnh đó cũng nhằm giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện.
Những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung gồm: hoạt động gia công sửa chữa, tái chế sản phẩm nguyên chiếc (Điều 54); định mức sử dụng dự kiến/định mức sử dụng thực tế (Điều 55); kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp chế xuất (Điều 56, 57, 58, 74, 75, 76, 78, 79, 80); tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phê liệu, phế phẩm (Điều 64, 71); giám sát quá trình luân chuyển hàng hóa đi gia công lại, luân chuyển giữa các doanh nghiệp chế xuất, giữa doanh nghiệp chế xuất với kho thuê ngoài (Điều 62, 74, 76); thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ (Điều 86, 61)…
Về vấn đề định mức sử dụng dự kiến, bổ sung khái niệm phù hợp với thực tiễn: là lượng nguyên liệu, vật tư dự kiến sẽ sử dụng để gia công, sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu do tổ chức, cá nhân xây dựng để thực hiện sản xuất…
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp kết nối trao đổi dữ liệu với cơ quan Hải quan thì sẽ sử dụng định mức dự kiến này, trong trường hợp doanh nghiệp chưa kết nối dữ liệu với cơ quan Hải quan thì vẫn thực hiện theo định mức thực tế như hiện hành. Định mức sử dụng thực tế được gửi khi báo cáo quyết toán theo năm tài chính.
Điểm mới tại dự thảo thông tư là đối với doanh nghiệp ưu tiên, không phải nộp định mức dự kiến hay định mức sử dụng cho cơ quan Hải quan nhưng phải xây dựng, lưu trữ, xuất trình khi kiểm tra, thanh tra.
Về địa điểm làm thủ tục hải quan (Điều 58) cũng được sửa đổi, bổ sung một số điểm như: trường hợp doanh nghiệp chế xuất có nhiều chi nhánh, các chi nhánh nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, việc hạch toán kế toán tách bạch được số liệu giữa các chi nhánh, giữa chi nhánh với trụ sở chính thì chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn làm thủ tục hải quan nhập khẩu, xuất khẩu tại chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất nơi có trụ sở chính hoặc chi cục hải quan nơi có trụ sở chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất.
Chi nhánh doanh nghiệp chế xuất lựa chọn làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan nào thì thực hiện thủ tục thông báo cơ sở sản xuất, báo cáo quyết toán tại chi cục hải quan đó.
Về thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn (Điều 64), có một số điểm sửa đổi, bổ sung như: thời điểm thực hiện thủ tục xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa (trong quá trình thực hiện hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công; chậm nhất 3 ngày kể từ ngày cơ quan Hải quan chấp nhận báo cáo quyết toán đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách).
Bên cạnh đó, đối với vấn đề tiêu thụ nội địa phế liệu, phế phẩm được sửa đổi, bổ sung theo hướng: phế liệu, phế phẩm tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan; phải kê khai nộp thuế với cơ quan Thuế nội địa và chậm nhất ngày thứ 10 của tháng kế tiếp phải thông báo thông tin bán phế liệu, phế phẩm trong tháng theo mẫu số 18b/TBPL/GSQL phụ lục V.
Trường hợp nguyên liệu, vật tư, thành phẩm tiêu thụ nội địa nhưng doanh nghiệp khai dưới dạng phế liệu, phế phẩm, trước khi tiêu thụ nội địa, tổ chức, cá nhân phải kê khai thay đổi mục đích sử dụng.
Về vấn đề thuê kho của doanh nghiệp chế xuất (Điều 80), dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: điều kiện doanh nghiệp chế xuất được thuê địa điểm lưu giữ; điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan đối với địa điểm lưu giữ.
Cụ thể đối với điều kiện doanh nghiệp chế xuất được thuê địa điểm lưu giữ quy định theo hướng: Trong thời gian 12 tháng, không bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt không vượt quá thẩm quyền xử phạt của chi cục trưởng.
Có quy mô sản xuất dự kiến vượt quá năng lực lưu giữ hàng hóa tại các cơ sở sản xuất chính doanh nghiệp chế xuất và tại các cơ sở sản xuất này không còn khả năng mở rộng quy mô, năng lực lưu giữ hàng hoá hoặc lý do khác.
Điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan đối với địa điểm lưu giữ gồm: có hàng rào cứng bao quanh, ngăn cách với khu vực bên ngoài. Trường hợp doanh nghiệp chế xuất thuê một phần diện tích để lưu giữ thì vị trí lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất phải có vách ngăn hoặc hàng rào đảm bảo tách biệt; có camera giám sát liên tục tại cửa hoặc cổng ra, vào và vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu về hình ảnh camera được kết nối trực tuyến với chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất hoặc doanh nghiệp cho thuê kho tối thiểu 12 tháng.
Đồng thời có phần mềm quản lý hàng hóa ra, vào địa điểm lưu giữ đảm bảo báo cáo nhập – xuất – tồn kho với cơ quan Hải quan.
Nguồn: haiquanonline.com.vn