Ảnh: ST |
Trước đó, để triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo CPTPP giai đoạn 2022-2027, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2022/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2022-2027 và Nghị định số 68/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2022/NĐ-CP.
Các nghị định này áp dụng cho 10 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mehico, New Zeland, Singapore, Peru, Malaysia, Chi lê, Brunei.
Ngày 25/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 133/2024/QH15 về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Nghị quyết giao Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2022/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 68/2023/NĐ-CP là cần thiết để thực thi cam kết quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các quy định tại Nghị định số 115/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP giai đoạn 2022-2027 đã sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 68/2023/NĐ-CP, tuy nhiên chưa có điều khoản nhằm thực thi cam kết đối với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Do vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định này nhằm mục đích bổ sung quy định áp dụng đối với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ-xy và Đảo Man).
Theo đó, dự thảo đề xuất bổ sung các quy định về thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại trên) hoặc hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung các quy định về điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai- len.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Nghị định được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong trường hợp Nghị định ban hành sau ngày Nghị định thư đề nghị tham gia Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh có hiệu lực, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự thảo quy định về xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế với các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đăng ký từ ngày Nghị định thư có hiệu lực đến trước ngày Nghị định sửa đổi có hiệu lực thi hành nếu đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và Nghị định số 115/2022/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Nghị định 68/2023/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 7,14 tỷ USD (chiếm 1,05% kim ngạch xuất nhập khẩu). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,34 tỷ USD và nhập khẩu đạt 793,57 triệu USD.
Hiện nay, theo Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh – Việt Nam (UKVFTA), thuế trung bình đang áp dụng đối với hàng hóa từ Vương quốc Anh là 3,5%, trong đó xóa bỏ 55,2% số dòng thuế.
Ở chiều ngược lại, Vương quốc Anh đang xóa bỏ thuế quan đối với 90,6% dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam.
Khi gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh sẽ được hưởng ưu đãi như Việt Nam hiện đang dành cho các nước thành viên với thuế suất trung bình là 1,8% (trong đó xóa bỏ 87,6% số dòng thuế).
Ở chiều ngược lại, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 94,4% dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam. Với mức tận dụng ưu đãi nhập khẩu là 15,2% cùng với tỷ trọng nhập khẩu thấp, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP không tác động nhiều đến cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như hoạt động thu từ thuế nhập khẩu.
Nguồn: haiquanonline.com.vn