Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai (Cục Hải quan Quảng Ninh). Ảnh: HQHG |
Tạo thuận lợi lớn cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, để công tác quản lý nhà nước về hải quan được thống nhất, đúng với bản chất giao dịch của hàng hoá, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về xuất nhập khẩu tại chỗ như sau:
Bãi bỏ toàn bộ Điều 35 tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Cụ thể:
“2. Bãi bỏ Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ.
Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam được tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ trong thời hạn tối đa không quá 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực và phải đáp ứng điều kiện thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương”.
Theo Bộ Tài chính, việc bãi bỏ quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP sẽ tạo thuận lợi lớn cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp,sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Theo thống kê, trong 5 năm từ năm 2018-2022, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,8 triệu tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ, trường hợp bãi bỏ quy định này thì trung bình hàng năm doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 36,7 tỷ đồng (lệ phí hải quan là 20.000đ/tờ khai), chưa kể tiết kiệm được chi phí về thời gian, nguồn lực do phải làm thủ tục hải quan.
Đối với cơ quan Hải quan, giảm thời gian, nhân lực và vật lực để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại chỗ. Giảm rủi ro khi không có cơ sở xác định thương nhân nước ngoài có hay không có hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực nêu trên, việc bãi bỏ quy định tại Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP cũng phát sinh các vấn đề liên quan đến việc nộp thuế, thu thuế nhập khẩu.
Bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu hải quan số
Bên cạnh đó, tại dự thảo Nghị định lần này cũng sửa đổi, bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai hải quan số.
Thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, theo đó Tổng cục Hải quan đã bám sát các mục tiêu chiến lược như: xây dựng Hải quan Việt Nam dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý Nhà nước về hải quan. Điều này được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh chữ ký số, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa. Để thực hiện các mục tiêu theo Chiến lược, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung thêm các nội dung mới.
Theo đó, để đảm bảo, đáp ứng Hải quan số, Hải quan thông minh, Nghị định được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc đảm bảo cho việc thực hiện thủ tục hải quan trên môi trường điện tử, xử lý dữ liệu thông minh thông qua việc số hóa các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan; việc khai báo, tiếp nhận, xử lý hồ sơ hải quan thực hiện qua hệ thống. Việc quản lý hải quan đối với các hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu được thực hiện trên hệ thống; việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp ưu tiên được thực hiện thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan…
Một số nội dung cụ thể liên quan đến nhóm thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, sửa đổi bổ sung các nội dung liên quan đến: Địa điểm làm thủ tục hải quan (Điều 4), người khai hải quan (Điều 5), đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan (Điều 6), khai hải quan (Điều 25), kiểm tra thực tế hàng hóa (Điều 29), giải phóng hàng (Điều 32), trách nhiệm và quan hệ phối hợp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu trong việc kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải tại cửa khẩu (Điều 33), giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh (Điều 34)…
Các quy định mới sửa đổi liên quan đến nhóm thủ tục đối với một số loại hàng hóa cụ thể: nhóm hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu; nhóm hàng hóa quá cảnh, trung chuyển; nhóm hàng hóa khác (thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại; hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập khác; thủ tục hải quan đối với tài sản di chuyển; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý ký gửi của người nhập cảnh, xuất cảnh thất lạc, nhầm lẫn; thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh).
Nhóm phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh (thủ tục hải quan đối với phương tiện vận xuất nhập cảnh qua đường hàng không, đường biển; thủ tục hải quan đối với phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa và các phương tiện vận tải khác); nhóm doanh nghiệp ưu tiên; nhóm về kiểm tra sau thông quan
Theo ban soạn thảo, các nội dung trên sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tế, đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số.
Nguồn: haiquanonline.com.vn