Sau khi gửi lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ để gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Dự thảo Nghị định sửa Nghị định 123/NĐ-CP đã bổ sung, sửa đổi những quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ.
Dự thảo Nghị định sửa Nghị định 123/NĐ-CP đã bổ sung, sửa đổi những quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ.

Bổ sung nguyên tắc lập chứng từ điện tử hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng

Tại dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ quy định tại Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia, tiếp thu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học công nghệ và sau khi rà soát, một số nội dung của Điều 4 đã được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, về nguyên tắc lập hóa đơn, cơ bản giữ như quy định tại Nghị định hiện hành và bổ sung “các trường hợp lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại Điều 19 Nghị định này”.

Dự thảo Nghị định bổ sung tại khoản 6 quy định về sử dụng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để thực hiện các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 7 quy định cho phép trường hợp cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử nếu đã ủy quyền cho chủ sở hữu sàn khai thuế theo quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP thì có thể ủy quyền cho sàn lập hóa đơn giao cho người mua. Theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, dự thảo cũng đã bổ sung khoản 9 quy định chứng từ điện tử tích hợp biên lai thu phí và hóa đơn trên cùng một định dạng điện tử để thuận lợi cho người mua hàng hóa, dịch vụ và thuận lợi trong việc triển khai chuyển đổi số theo đề xuất của địa phương.

Dự thảo bổ sung khoản 10 quy định về nguyên tắc lập chứng từ điện tử hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng. Cụ thể: doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng phải lập chứng từ điện tử và chuyển dữ liệu đến cơ quan Thuế theo Mẫu số 01/TH-DT quy định tại Nghị định này để ghi nhận số tiền thu được do đổi đồng tiền quy ước cho người chơi tại quầy, tại bàn chơi và số tiền thu tại máy trò chơi điện tử có thưởng trừ đi số tiền đổi trả cho người chơi do người chơi trúng thưởng hoặc người chơi không sử dụng hết trong ngày xác định doanh thu cùng thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử. Ngày xác định doanh thu là khoảng thời gian từ 0 giờ 00 phút đến 23 giờ 59 phút cùng ngày.

Gỡ vướng quy định sử dụng hoá đơn cho doanh nghiệp chế xuất

Liên quan đến hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, dự thảo mới nhất sửa đổi, bổ sung Điều 5 về Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ. Theo Bộ Tài chính, Khoản 1 Điều 5 Nghị định hiện hành chưa có quy định trường hợp chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử về cơ quan thuế không theo quy định là hành vi bị cấm đối với công chức thuế. Trong khi đó, tại Điều 30 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử. Do đó, tại khoản 1 Điều 5 dự thảo nghị định bổ sung trường hợp “Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử về cơ quan Thuế theo quy định”. Đồng thời bổ sung hành vi “làm giả hóa đơn, chứng từ để thực hiện hành vi trái pháp luật” là hành vi trái pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về loại hóa đơn (bao gồm 7 khoản). Theo Bộ Tài chính, tại Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất (DNCX) cho phép DNCX ngoài hoạt động chế xuất còn được thực hiện: bán, thanh lý vào thị trường nội địa tài sản đã qua sử dụng và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan; các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan; bán hàng hóa vào thị trường nội địa. Trong khi đó, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP chỉ có quy định về việc tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan (trong đó có DNCX) sử dụng loại hóa đơn bán hàng, loại “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”, chưa có quy định về loại hóa đơn khi DNCX có hoạt động khác ngoài hoạt động chế xuất mà Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã quy định.

Trong quá trình thực hiện Nghị định 123/2020/NĐ-CP, một số doanh nghiệp nêu vướng mắc về việc thực tế các doanh nghiệp đang phải sử dụng hai loại hóa đơn khi xuất khẩu hàng hóa: một là hóa đơn thương mại (là loại hóa đơn được lập theo thông lệ quốc tế và thuộc thành phần hồ sơ khai hải quan theo quy định của pháp luật hải quan); hai là hóa đơn bán hàng/hóa đơn GTGT điện tử (là loại hóa đơn đăng ký sử dụng với cơ quan Thuế và chuyển dữ liệu cho cơ quan Thuế), trong khi trước đây doanh nghiệp chỉ sử dụng hóa đơn thương mại. Do đó, doanh nghiệp đề xuất sử dụng 1 loại hóa đơn khi xuất khẩu hàng hóa; cần sửa đổi, bổ sung quy định về loại hóa đơn điện tử bán tài sản công để phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Nghị định quy định thi hành.

Từ vướng mắc trên, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng: bổ sung quy định sử dụng hóa đơn khi doanh nghiệp chế xuất có hoạt động khác ngoài hoạt động chế xuất; bổ sung quy định về hóa đơn thương mại điện tử khi xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài; hoàn thiện quy định về hóa đơn bán tài sản công để phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định quy định thi hành.

Nguồn: haiquanonline.com.vn