Nhiều tuyến dịch vụ mới được các hãng tàu mở nhằm kết nối Cái Mép – Thị Vải với các khu vực châu Á, châu Âu, châu Mỹ đang mở ra cơ hội thu hút nguồn hàng lớn về cụm cảng này. Làm cách nào để điều này trở thành xu hướng mạnh mẽ hơn và có thể giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn là vấn đề cần quan tâm và nhanh chóng giải quyết để tạo sức bật mới cho Cái Mép – Thị Vải.
Tàu MSC TOKYO thuộc tuyến dịch vụ BRITANNIA làm hàng tại cảng SSIT Cái Mép - Thị Vải. 	 Ảnh: CTV
Tàu MSC TOKYO thuộc tuyến dịch vụ BRITANNIA làm hàng tại cảng SSIT Cái Mép – Thị Vải. Ảnh: CTV

Nhiều tín hiệu vui

Chỉ trong tháng 7/2024 vừa qua, khu vực Cái Mép – Thị Vải đã đón thêm 3 tuyến dịch vụ mới của các hãng tàu. Trong đó, Cảng SSIT ghi nhận 2 tuyến mới đều của hãng tàu MSC là tuyến SAOLA – tuyến dịch vụ nội Á và tuyến BRITANNIA – tuyến dịch vụ trực tiếp đến châu Âu. Cảng CMIT cũng đón thêm tuyến dịch vụ Thương mại điện tử tốc hành của hãng tàu ZIM đi bờ Tây nước Mỹ. Trước đó, vào tháng 5/2024, cảng TCIT cũng đã tiếp nhận thành công tàu Seaspan Beyond – chuyến tàu đầu tiên của tuyến dịch vụ AP1 kết nối Việt Nam với Bờ Tây Mỹ.

Chỉ số CPPI do Ngân hàng thế giới và S&P Global công bố vào năm 2023 cho 348 cảng container toàn cầu đã ghi nhận Cái Mép – Thị Vải xếp vị trí thứ 7 về mức độ hiệu quả. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tại đây đã ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 2 con số mỗi năm trong suốt 5 năm gần đây.

Đáng chú ý, việc các hãng tàu mở tuyến dịch vụ mới tại Cái Mép – Thị Vải diễn ra trong bối cảnh tắc nghẽn cảng biển đang diễn ra nghiêm trọng tại Singapore. Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, số tuyến dịch vụ tàu container xuất phát từ các cảng biển tại khu vực Cái Mép – Thị Vải đi châu Âu, Mỹ và châu Á đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Tính tới tháng 7/2024, có 37 tuyến dịch vụ quốc tế, gồm 13 tuyến nội Á, 19 tuyến đi châu Mỹ, 4 tuyến đi châu Âu và 1 tuyến Âu – Mỹ. Ngoài ra, còn có 14 tuyến nội địa. Dự kiến trong quý 3/2024, sẽ có thêm 2-3 tuyến dịch vụ đi châu Âu trực tiếp từ Cái Mép – Thị Vải.

Tương ứng với sự sôi động từ các tuyến dịch vụ mới, hoạt động khai thác tại các cảng cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Theo thông tin từ Tập đoàn Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink), trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Gemalink ghi nhận tăng trưởng tới 91% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 804.000 TEU. Đặc biệt, ngoài 8 chuyến tàu định kỳ hàng tuần, trong nửa đầu năm nay, Gemalink đã đón thêm hơn 10 chuyến tàu ngoài lịch trình cố định do các hãng tàu đưa vào giải phóng lượng hàng khi các cảng tại Singapore rơi vào cảnh tắc nghẽn.

Trong những năm gần đây, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục cải thiện thứ hạng trên bản đồ cảng biển thế giới. Chỉ số CPPI do Ngân hàng thế giới và S&P Global công bố vào năm 2023 cho 348 cảng container toàn cầu đã ghi nhận Cái Mép – Thị Vải xếp vị trí thứ 7 về mức độ hiệu quả. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tại đây đã ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 2 con số mỗi năm trong suốt 5 năm gần đây.

Đánh giá về sự tăng trưởng này, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Tổng cục Hải quan cũng như Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cũng như tạo thuận lợi đáng kể cho các DN khai thác và sử dụng dịch vụ cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Điều này đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải.

Từ góc độ của DN khai thác cảng, ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh dịch vụ Container Quốc tế (chủ đầu tư cảng SSIT) cho biết, bên cạnh sự cải thiện về quy trình, thủ tục, thái độ làm việc của công chức Hải quan tại khu vực Cái Mép – Thị Vải cũng rất cầu thị, tận tình trong việc hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho DN.

Giải pháp giữ chân khách hàng

Theo một số nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại kể từ sau năm 2030. Như vậy, để duy trì tăng trưởng cho Cái Mép – Thị Vải, cần thiết phải thu hút được nguồn hàng trung chuyển quốc tế. Việc các hãng tàu mở tuyến dịch vụ mới tại Cái Mép – Thị Vải trong thời gian gần đây cho thấy tín hiệu về việc cơ cấu lại mạng lưới vận tải biển của các hãng tàu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc mở tuyến này chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh tắc nghẽn tại Singapore. Theo đó, cần có những giải pháp toàn diện và mạnh mẽ để giữ chân khách hàng lâu dài hơn.

Theo TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, một loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được đầu tư tại Đông Nam Bộ sẽ là cơ hội tốt để tăng cường giao thông kết nối, tạo điều kiện cho Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới theo định hướng của Chính phủ. “Khi có lợi thế về kết nối giao thông, việc giải phóng hàng tại cảng sẽ nhanh hơn và phạm vi phục vụ được mở rộng, từ đó tăng tính hấp dẫn của cảng cũng như nâng cao năng lực phục vụ” – TS. Phạm Hoài Chung nói.

Tuy nhiên, ông Chung cũng lưu ý về sự cạnh tranh của các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực và thế giới, đặc biệt là các vấn đề đầu tư mạnh mẽ đối với các cảng trung chuyển của thế giới như TUAS của Singapore hoặc Tanjung Pelepas của Malaysia… Theo đó, cần phân tích thị trường và năng lực cạnh tranh của Cái Mép – Thị Vải để đảm bảo sự phát triển của cụm cảng này đạt mục tiêu đã đề ra.

Ngoài ra, theo ý kiến của các DN khai thác cảng trên địa bàn, để trở thành trung tâm trung chuyển khu vực và quốc tế, Cái Mép – Thị Vải cần có những bến cảng mới có quy mô lớn hơn và hiện đại hơn để đón các tàu mẹ vào làm hàng. Trong lúc chưa có thêm cảng mới, cần làm mới những cảng cũ, cụ thể là nâng cấp về cơ sở hạ tầng, công nghệ để quản lý cảng thông minh hơn.

Bên cạnh đó, các cảng cũng cần liên kết lại để trở thành một cảng lớn, giúp nâng cao năng lực khai thác. Hiện tại khu vực Cái Mép – Thị Vải có 4 bến cảng liền nhau là CMIT, TCTT, SSIT và Gemalink, nhưng mỗi bến là một “cửa khẩu” riêng biệt, có hàng rào ngăn cách. Mới đây, CMIT và TCTT đã thực hiện mở cổng để kết nối. Nhờ đó, thay vì chỉ 1 tàu vào làm hàng tại mỗi cảng, giờ đây hai cảng này có thể đón cùng lúc 3 tàu vào làm hàng. Nếu việc kết nối này được mở rộng ra với cả SSIT và Gemalink, năng lực khai thác tại đây sẽ tăng lên đáng kể, từ đó tăng thêm sức hấp dẫn của Cái Mép – Thị Vải trong kế hoạch cơ cấu lại mạng lưới vận tải biển của các hãng tàu.

Nguồn: haiquanonline.com.vn