10 năm qua (2014 – 2024), công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan (gọi tắt là phát triển quan hệ đối tác) được ngành Hải quan triển khai với 4 nhóm giải pháp lớn gồm: thông tin, tham vấn, tham gia, hợp tác ở cả 3 cấp. Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa, Tổng cục Hải quan Lương Khánh Thiết trả lời phỏng vấn Tạp chí Hải quan về nội dung này.
Xây dựng mối quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp tin cậy

Thưa ông, ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp trong 10 năm qua?

Đến nay, công tác phát triển quan hệ đối tác đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực cho cả cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, được Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Một là, hoàn thiện tương đối đầy đủ cơ sở pháp lý, hệ thống văn bản hướng dẫn công tác phát triển quan hệ đối tác. Nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác đã được quy định tại nhiều văn bản của Nhà nước và ngành Hải quan như Chiến lược phát triển Hải quan tới năm 2020 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2016-2020; Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (ban hành tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ), Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025.

Theo khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp về phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp (dưới hình thức phát phiếu và khảo sát online) vào tháng 4/2024, với 2.194 doanh nghiệp đã tham gia khảo sát, chiếm 80% tổng số phiếu phát ra (2.750 phiếu).

Đánh giá về sự đa dạng của hình thức cung cấp thông tin, với tỷ lệ đánh giá cụ thể: Rất hài lòng 53,37%, hài lòng 42,48%, rất không hài lòng 0,27%.

Đánh giá giá sự chính xác, kịp thời của cung cấp thông tin, với tỷ lệ đánh giá cụ thể: Rất hài lòng 52,01%, Hài lòng 42,75%, Rất không hài lòng 0,27%.

Đánh giá sự thuận tiện trong tìm hểu thông tin, với tỷ lệ đánh giá cụ thể: Rất hài lòng 50,32%, Hài lòng 43,35%, Rất không hài lòng 0,27%.

Hai là, hoàn thiện một bước về tổ chức bộ máy thực hiện công tác phát triển quan hệ đối tác. Tổng cục đã chỉ định đơn vị đầu mối về phát triển quan hệ đối tác. Theo đó, Ban Cải cách hiện đại hóa là đơn vị được giao chủ trì tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác; có trách nhiệm hỗ trợ các đơn vị triển khai hoạt động đối tác; chủ trì thực hiện một số hoạt động đối tác theo phân công của Tổng cục Hải quan, là đầu mối trong xây dựng quan hệ đối tác với các Hiệp hội doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan cũng tổ chức thành lập các Tổ tư vấn Hải quan-Doanh nghiệp, Tổ xử lý vướng mắc… tại cấp cục và các chi cục để làm đầu mối thực hiện công tác phát triển quan hệ đối tác tại từng đơn vị.

Ba là, công tác phát triển quan hệ đối tác đã thu được nhiều kết quả cụ thể rất tích cực trong hoạt động thông tin, tham vấn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc và hợp tác.

Đơn cử như về thông tin, ngành Hải quan đã triển khai bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau đến người khai hải quan, doanh nghiệp như đăng tải nội dung mới các văn bản pháp luật trên Cổng thông tin điện tử hải quan, qua báo đài, hay thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp hoặc bằng văn bản, điện thoại; đường dây nóng; viber, zalo; gặp trực tiếp… để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Qua rà soát có 20/35 cục hải quan tỉnh, thành phố đã thiết lập chuyên mục đối tác Hải quan-Doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử. Qua khảo sát, có 78,3% doanh nghiệp “hài lòng”, “tương đối hài lòng” với thông tin cung cấp bởi Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

Về hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp, tại các cục hải quan tỉnh, thành phố hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm và triển khai thống nhất từ cấp Cục tới Chi cục, Tổ/Đội và công chức. Hàng năm, các đơn vị trong Ngành đã tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại Hải quan-Doanh nghiệp, xử lý hàng chục ngàn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Ví dụ năm 2023: Số lượt giải đáp vướng mắc pháp luật hải quan: 17.179 lượt yêu cầu giải đáp vướng mắc pháp luật hải quan, trong đó các cục hải quan tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 15.784 vướng mắc; các đơn vị vụ, cục nghiệp vụ đã tiếp nhận 1.395 vướng mắc được giải đáp kịp thời hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền giải đáp theo đúng quy định.

Bên canh đó, cục hải quan tỉnh, thành phố tiến hành khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp 1 năm/1 lần về các nội dung: Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với việc thực hiện cam kết theo Tuyên ngôn phục vụ khách hàng (Tính chuyên nghiệp, tính minh bạch, tính hiệu quả và thời gian thực hiện thủ tục hành chính); Đánh giá chất lượng hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (Dịch vụ công trực tuyến, các hoạt động hỗ trợ)…

Để công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp đi vào chiều sâu, thực chất, theo ông vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hợp tác cùng cơ quan Hải quan được thể hiện như thế nào?

Trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng hiện nay, khi mà các cơ quan nhà nước ngày càng hạn chế can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) ngày càng quan trọng.

Thời gian qua, nhiều HHDN đã chủ động, tích cực hợp tác với cơ quan Hải quan các cấp và đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng DN. Đến nay, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan tỉnh, thành phố đã ký kết văn bản hợp tác với khoảng 42 HHDN.

Để đưa công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp đi vào chiều sâu, thực chất, vai trò của các HHDN trong việc hợp tác cùng cơ quan Hải quan càng phải được tăng cường và chú trọng hơn. Các HHDN cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia ý kiến và đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế xuất nhập khẩu cho phù hợp với thực tiễn.

Các HHDN cần nâng cao năng lực lãnh đạo quản trị của mình, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các DN hội viên để phản ánh kịp thời với cơ quan Hải quan các cấp để được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, các HHDN cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong việc tổ chức các hội nghị đối thoại; các khóa đào tạo về thương phẩm; các hội nghị tập huấn về pháp luật hải quan, pháp luật thuế xuất nhập khẩu, các quy trình thủ tục hải quan, chuyển đổi số…

Để nâng tầm công tác phát triển quan hệ đối tác trong thời gian tới, cơ quan Hải quan đã và đang đặt ra những mục tiêu cụ thể nào, thưa ông?

Trong thời gian tới, mục tiêu mà ngành Hải quan đặt ra là công tác phát triển quan hệ đối tác cần phải được tiến hành cho phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu. Đồng thời, phải đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 như: “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và “phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan”.

Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các đối tác thương mại của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia phản biện hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan; tham gia giám sát thực thi pháp luật hải quan; hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật của hải quan và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan.

Cơ quan Hải quan các cấp cần chủ động nghiên cứu, đổi mới đưa ra các giải pháp, sáng kiến, công cụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan phù hợp với đặc điểm địa bàn, tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Nghiên cứu thành lập diễn đàn tham vấn Hải quan-Doanh nghiệp; tăng cường hoạt động tham vấn trước và sau khi ban hành chính sách pháp luật hải quan nhằm đảm bảo tính thực tế của văn bản pháp luật khi ban hành.

Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật của doanh nghiệp với cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp; chú trọng hiện đại hóa các công cụ giám sát. Đồng thời, cần kết nối các đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp ở các cấp; đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động của các bộ phận làm công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp.

Tổ chức các khóa đào tạo về phát triển quan hệ đối tác cho cả Hải quan và HHDN, các nhóm doanh nghiệp để chia sẻ thêm các kinh nghiệm, mô hình, phương pháp thực hiện hiệu quả để các đơn vị nâng cao nhận thức và hành động. Tăng cường việc trao đổi, đánh giá, đôn đốc thực hiện công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan trong toàn Ngành để vừa khắc phục những tồn tại, hạn chế, vừa nhân rộng những điển hình, kinh nghiệm, sáng kiến hay trong công tác này.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: haiquanonline.com.vn